Bẫy chim cu gáy In
Viết bởi Administrator   
Thứ hai, 08 Tháng 11 2010 16:10

Khi tiết trời lập xuân nắng ấm là những thợ bẫy chim cu gáy quê tôi chuẩn bị vào mùa. Theo các thợ bẫy chim chuyên nghiệp, trời chuyển sang đông giá thì họ nhà cu sống theo bầy, nhưng đến khi lúa đông xuân đỏ đuôi, chín tới, thì chim tách bầy. Chúng sống có đôi, có bạn, tìm lãnh địa để vun đắp tổ uyên uơng, duy trì nòi giống. Đây là thời điểm thuận lợi cho thợ bẫy chim tác nghiệp.

Bẫy chim cu gáy mang tính chuyên nghiệp ở quê tôi phải kể đến Ông Nguyễn Hữu Kỉnh, ở làng Ngân Hà, ông Nguyễn Bá Môn ở làng Thanh Quýt, ông Trần Kỉnh ở làng Viêm Tây, thuộc huyện Điện Bàn. Riêng ông Nguyễn Hữu Kỉnh thuộc diện gác cu cha truyền con nối. Ông mê bẫy chim đến nỗi 2 giờ sáng là lội bộ từ làng Ngân Hà đến Gò Mùn, huyện Đại Lộc. Đến nơi mà trời vẫn chưa sáng, phải ngồi tựa bờ tre, góc ruộng chờ mặt trời lên để đánh bẫy. Còn ông Nguyễn Văn Củng, ở làng Thanh Quýt nổi tiếng có chim cu gáy hay nhất tỉnh Quảng Nam. Người làng kế lại rằng, thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông lên Minh Huy, Việt An, huyện Hiệp Đức hành nghề đông y. Do người con trai độc nhất không may lâm trọng bệnh, rồi qua đời. Vì quá thương nhớ con, ông chản nản, bỏ bê chuyện làm ăn, gia cảnh sa sút. Một người bạn đã được ông cưu mang, giúp đỡ, thấy ông suy sụp tinh thần, người bạn rủ ông đi sập chim cu để giải buồn. Sau thời gian, vui với cảnh chim trời cá nước khiến ông đâm ra ghiền và bước vào nghề bẫy chim. Khi “ra riêng”, người bạn tặng cho ông một con chim mồi quí, nó có giọng gáy đủ nước. Nghĩa là tùy vào trạng thái của đối thủ mà gáy lúc khoan, lúc nhặt, lúc hiền, lúc dữ không con chim cu mồi thời bấy giờ sánh kịp. Do giọng gáy độc đáo của nó, có người thợ bẫy chim cu gáy chuyên nghiệp gạ đổi một con trâu cổ ( tức là trâu đực) nhưng người bạn của ông không đồng ý, mà tặng cho ông, để bày tỏ tấm lòng mang ơn, trả nghĩa. Năm 1977, ông giao con chim này cho ông Nguyễn Hữu Lướt, người bẫy chim cu trong làng nuôi dưỡng, chăm sóc khi đó con chim quí này đã hơn 50 tuổi. Nhưng vì “tuổi cao sức yếu” sau thời gian không lâu chim gáy hay nhất Quảng Nam “qua đời”, để lại bao niềm luyến tiếc đối với những người bẫy chim quê nhà.

Bẫy chim cu có hai cách, bẫy dưới đất và bẫy trên không. Bẫy dưới đất là chọn vùng đất thuận lợi như biền bãi, cánh đồng vừa gặt quang. Tiếp đến là đặt bẫy cố định, trong bẫy đặt chim mồi. Chim mồi người đánh bẫy may đôi mắt. Chân chim thì cột dây. Người đánh bẫy ẩn trong lùm cây, bụi rậm ngồi chờ chim trời bay về tìm mồi là giật dây. Lúc này, do mắt không thấy, chim mồi sợ ngã té, hai cánh của nó nhấp liên tục. Chim hoang dã thấy chim lạ nhấp cánh, xừng cườm khiêu khích, chúng không ngần ngại sà vào bẫy giao chiến. Bẫy bật chốt, lưới sập. Lúc này, chú chim tội nghiệp ra sức vùng vẫy nhưng không thể nào thoát được.

Một kiểu bẫy cu gáy mồi đất ở Malaysia, bên trái là con chim gáy ngoài

 

Bẫy trên không, là người bẫy chim chọn một cành cây để treo lồng bẫy. Đối diện với lồng bẫy phải có một nhánh để chim hoang dã đậu. Người đánh bẫy tìm cho mình một điểm phù hợp ngồi hoặc mắc võng nằm ngắm mây trời, sông nước hồi hộp chờ đợi. Thường là chim mồi treo trên cành là nó bắt đầu bủa rao ( tức là gáy rao) gọi đối thủ. Nghe tiếng gáy lạ, chim hoang dã bay về quan sát, thấy chim mồi từ bủa khoan sang bủa nhặt để gây chiến. Người đời thường nói “ghét nhau tiếng gáy”, Quả là không sai! Chim hoang dã thấy chim lạ xâm lăng lãnh địa của mình, thêm vào đó tiếng gáy, tiếng gù nghênh chiến. Thế là cuộc cạnh tranh xảy ra, lưới sập.

Đánh mồi cây của bạn cuccru trên youtube, rất hấp dẫn

Tiếng gáy, tiếng gù của chim cũng nhiều loại. Theo các thợ bẫy sành nghề thì tựu trung 3 giọng gáy cơ bản. Đó là giọng Thổ là giọng gáy trầm ấm, giọng Đồng là giọng gáy vang lên âm thanh lớn và giọng Kim là giọng gáy thanh trong và nhỏ. Ngoài ra còn có giọng gáy đồng pha thổ, kim pha thổ và giọng gáy Thổ-Đồng -Kim hậu 1, hậu 2, hậu 3, hậu 4.  Ví dụ: Giọng gáy đồng hậu 1: Cúc cù cu... cu. Đồng hậu 2 : Cúc cù cu.... cu...cu. Nói nom na mỗi tiếng cu, sau cúc... cù... cu ứng với một hậu. Đó là chưa kể đến chim mồi quí được giới bẫy chim ưa chuộng như” Nhất là mỏ tréo giọng cà, nhì là cổ lãi thứ ba bạch đề” ( Bạch đề là chim gáy có móng màu trắng) hoặc” Cườm cao, giao cánh, mỏ đinh.”

Bẫy chim cu hiện nay không chỉ quanh quẫn trong làng mà đi tận các vùng núi Đại Lộc, Duy Duyên, Quế Sơn, Hiệp Đức... Điều mà mãi đến bây giờ những người bẫy chim ở quê tôi vẫn chưa lý giải được là mang chim mồi đánh bẫy ở các vùng quê thuộc tỉnh ThừaThiên- Huế. Như Nam Đông, Thừa Lưu, Nước Ngọt, Hương Thủy, Hương Điền... hễ chim mồi cất lên là chim trời bay về khá đông. Họ không hiểu là do chất giọng của chim khác vùng hay sao... mà chúng giận nhau sẵn sàng giao chiến !?. Thôi chuyện đó xin nhường lại cho các nhà nghiên cứu. Còn người bẫy chim theo đó mà hưởng thú vui tao nhã.

Bẫy chim, câu cá là thú tiêu khiển giàu tính văn hóa, nhưng không vì thế mà tận diệt các loài chim hoang dã. Để rồi một ngày không xa, cứ mỗi độ xuân đến, thu sang vắng đi tiếng cúc... cù... cu trong trẽo, thân quên vọng từ phía lũy tre đầu làng, là mất đi một nửa hồn quê thơ mộng, yên bình.

 

Hữu Dũng

dienban.gov.vn

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 08 Tháng 11 2010 16:36