Gác cu In
Viết bởi Tre Làng   
Thứ bảy, 07 Tháng 7 2007 09:54

Người ta thường nói trên đời có 4 cái ngu, làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Mấy cái ngu khác thì không biết thực hư thế nào. Còn cái ngu thứ ba thì tôi đã trãi qua.
Xin nói ngay, gác cu tức là đi bẩy cu (chim cu gáy) hay gọi là đánh cu. Chim cu gáy có nhiều loại, nhưng loại thông thường người ta nuôi để đánh là loại chim gáy có tên tiếng anh là dove spotted và tên khoa học là Streptopelia chinensis. Nó thuộc loài bồ câu nhưng nhỏ hơn rất nhiều, thường sống ở vùng nhiệt đới nam châu á như Trung quốc, Ấn độ, Sri Lanca, Việt nam...Thôi thì nó sống đâu mặc nó, cái quan trong là gác cu nó thế nào mà nhiều người chấp nhận "ngu" với nó vậy?
Thường thì ở Việt nam, nếu ở thôn quê ít nhất một lần mọi người đã nghe tiếng cu gáy. Người bình thường thì nghe tiềng gáy con nào cũng như con nào. Nhưng người "trong nghề" thì hoàn toàn khác. Có con gáy giọng thổ, con gáy giọng kim, rồi thổ đòng , thổ sấm...Rồi con thì gáy 1 hậu, con thì 2 hậu thâm chí có con gáy 3 hậu và có con không có hậu, nhưng 2 loài sau cùng rất hiếm. Gáy như vậy là sau là 1 hậu, cục cu cu...cù. Còn 2 hậu sẽ là cục cu cu...cù...cù. Chim gáy đá nhau hoặc là tranh gianh chim mái hoạc tranh gianh lãnh thổ. Thường 2 con đứng ở hai gốc cây khác nhau cùng thi nhau tiếng gáy.  Chim mái chỉ đứng lắng nghe và theo dõi. Hai bên trổ hết tài nghệ ra, nào là chiêu, nào là thúc, nào là gù nào là dặm... Bên nào chịu hổng nỗi coi như thua cuộc và sẽ bay đi. Nếu sau khi đã hết ngón nghề mà vẫn bất phân thắng bại thì mới sử dụng tới chân tay và miệng nữa. Cả 2 lao vào nhau thể hiện sức mạnh một bên mà bảo vệ tình yêu còn một bên là chiếm đoạt người yêu bên nào cũng có động lực để chiến đấu hết mình. Nó dùng cách quật vào nhau, dùng mỏ mổ nhau, dùng chân kẹp nhau và còn nhiều độc chiêu khác như dã đò bay đi khi thấy địch thủ thừa thắng đuổi theo, nó sẽ quật ngược trở lại, gọi là đòn hồi mã thương đó! Nhìn 2 con chim gáy đánh nhau còn sướng hơn đá gà nhiều nhiều lắm cơ. Nếu gặp chúng đá nhau dưới lúc trời mưa thì đơi khi nó đá say, lông nó sẽ ướt bởi nước mưa và khi đó ta có thể bắt luôn cả 2 con đem về...nấu cháo nếu không phải dân chơi cu. Còn gặp dân nhà nghề thì khỏi phải nói, chỉ xem thôi đã thay sướng rồi huống chi là tóm được chúng. Có khi được vàng còn không sướng bằng nữa.
Kể cũng lạ hễ con trống mới mà thắng con trống cũ thì con trống cũ lập tức bay đi nơi khác và con mái lại theo con trống mới, cái này không giống người lắm nhỉ? Gặp con trống mà vì lý do nào đó mà chim mái nó không còn thì không đến nỗi khó bảo vệ hạnh phúc nếu con trống gan da và khỏe một chút. Chứ gặp con "cu một" thì xui cho hạnh phúc nhà em rồi đó, nó chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, với lại nó còn non nên rất khỏe nữa, chim non háu đá là vậy đó!


Mãi kể chuyện cu đá nhau quên cả chuyện gác cu luôn.

Xem một video clip minh họa của một bạn có nick là cuccru post trên youtube

Trước hết muốn gác cu thì phải nuôi được một con cu mồi. Chuyên này không dễ chút nào. Thường thì cu trưởng thành (loại mình đánh về, chứ không phải từ chim con nuôi lên), phải nuôi ít nhất là 1 năm có khi 2 có khi 3-4 năm nó mới nổi, nghĩa là nó bắt đầu gáy trả lại chim ngoài. Nhưng coi chừng, nếu đem đi đánh ngay có khi gặp con ngoài dữ quá là "lặn" luôn, phải cho nó tập dần, nghĩa là phải chơi với con hiền hiền trước để nó tự tin cái đã. Sau khi đánh được con đầu tiên nó mới thực sự thành mồi. Kiếm được con cu mồi hay khó lắm, nhiều con hay lên tới mấy cây vàng nhưng thường dân chơi cu nghề thì bao nhiêu cũng không bán. Tôi biết có con đổi một chiếc xe dream Thái mà họ không đổi.
Con mồi hay phải là con mồi phải dạy sào, nghĩa là treo đâu gáy đó, treo lên là gáy ngay, không được sợ cu ngoài, phải biết lúc cương lúc nhu. Lúc nào cần thì thúc, lúc nào thì gù, lúc trầm, lúc bổng, lúc khoan thai lúc dồn dập...

Chim cu gáy thuộc loại chim rất tinh, nó quan sát rất nhanh địa hình địa thế, nó biết cái lồng là nguy hiểm nên phần lớn nếu cu mồi không hay thì cả ngày sẽ thành công cóc. Bẫy được một con cu khó lắm, có khi hàng tháng trời không được con nào.
Lồng cu mồi cũng là một nghệ thuật, phải tinh xảo, lưới phải giấu sao cho mắt người nhìn gần cũng không thấy mới được. Lồng chim cu mồi không phải ai cũng làm được và làm được chưa chắc đã bẫy được. Khi đi đánh cu không phải cây nào cũng treo được như loài chim chào mào mà phải có chọn cây, chọn hướng sao cho con cu mồi thi quan sát rõ mà chim cu ngoài thì phải không nhìn rõ. Rồi cây phải có "cành thế" một từ chuyên môn của dân đánh cu. Cành này cũng được gọi là cành tử, vì hầu hết khi chim đã vào tới cành này thì coi như xong 99% dính bẫy. Cành này phải song song với cành gạt nơi lồng chim mồi. Nó phải không được xa lắm, cũng không được gần lắm, nếu gần lắm chim ngoài sẽ cắn nhau với chim mồi, khi đó chim mồi vùng vẫy và bẫy dễ bị sập mà không bẫy được chim. Nếu xa quá thì sẽ khó cho con chim ngoài tiếp cận cần gạt.
Đánh cu có mấy giai đoạn như sau:
Đầu tiên con mồi sẽ gáy chiêu (như kiểu đánh động xem quanh đây có ai không mà để ta gáy 1 mình vậy!), giọng rất khoan thai, cục cu cu...cù, cục cu cu...cù, mỗi lần cất nhau độ 30 giây. Nếu không có con nào cất tiếng gáy trả thì nó cứ rỉ rã như thế, cho đến khi có cu ngoài gáy đáp trả, hoặc khi nó nghe tiếng vỗ cánh của chim ngoài.
Khi đó nó đổi giọng ngay, từ chiêu chuyển sang thúc (có vẻ thách thức lắm), nếu xa thì nó khoan thai, cục cù cuuuuuuuù, cuc cu cuuuuuuuù, mỗi lần cách nhau khoảng 10-15 giây. Thúc cho đến khi cu ngoài bay đến gần hơn, thường thì cu ngoài bay thẳng lên trời như mũi tên, sau đó xòe cánh lượn vòng như chim ó bay quan sát mồi từ trên bầu trời cao rồi đáp xuống cây có chim mồi. Dân nghề gọi la "chung cây", nghĩa là 2 con đã ở chung một cây, trận chiến sẽ bắt đầu!
Bây giờ cả 2 con thi nhau trổ hết các ngón nghề mình có, con mồi phải kiên trì không được di động nhiều, cho đến lúc con cu ngoài chuyền cành, tùy thuộc con mồi gáy mà nó chuyền cành nhanh hay chậm đến cành thế.
Bây giờ, con mồi không còn thúc nữa mà chuyển sang gù hoặc thúc với cường độ, tốc độ rất nhanh và cánh của nó thì nhịp nhịp, đầu nó nghiêng nghiêng ra vẻ rất thách thức và thế là con cu ngoài quên hết mọi thứ xung quanh xong vào cành gạt để lâm trận...reeeeẹt, mành lưới buông xuống thế là xong.
Đôi khi nó vẫn thoát được, đó là lúc lưới lâu ngày không còn chắc nếu nó vùng lâu sẽ rách lưới và nó thoát, có con chim khôn vừa vùng vừa tìm đường ra chứ không phải vùng bạt mạng. Vì khi vùng, lưới đội lên sẽ có lỗ phía dưới nếu có thời gian sẽ có đường thoát thân. Vì thế người gác cu phải thật chú ý, phải ngồi thật yên, không gần cũng không xa lồng chim quá, có khi ngồi như vậy cả buổi, vì cu ngoài cứ quanh quảnh bên lồng mà không chịu nhảy, tình huống mà đi về thì không nỡ mà ở canh hoài cũng không xong. có lẽ vì vậy mà người đời cho nghề gác cu là một trong 4 cái ngu chăng!

New york, 11/11/2006

Sẽ kể lại những ngày gác cu đáng nhớ khi có thời gian.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 23 Tháng 6 2010 21:44