THÚ CHƠI CU GÁY Ở CÔ TÔ In
Viết bởi Administrator   
Thứ hai, 11 Tháng 8 2008 17:18
(TT&VH) - Mai phục suốt hai tháng trong rừng, đúng vào một ngày mùa đông giá rét, đang ngồi cho chim ăn thì Thanh nghe có một cơn gió mang một luồng khí ấm thổi tới. Đến đêm thì thấy sao sáng vằng vặc.

Thanh chắc chắn sang mai nắng ấm sẽ lên - chính là cơ hội tốt để tóm cổ con chim trứ danh.

Thử làm… cái ngu thứ ba

"Trên đời có bốn cái ngu / Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu". Cứ theo như câu ca dao trên thì "gác cu" là việc ngu thứ ba trong bốn cái ngu nhất của con người. Song ở Cô Tô (huyện đảo Cô Tô- Quảng Ninh), tôi lại thấy một hình ảnh trái ngược. Cái thú vị nhất trong nghề chơi chim cu gáy không chỉ là nghe tiếng gù (hót) của nó mà là huấn luyện được một con chim mồi thật "chiến" để đi tóm cổ các chú chim khác.

Chim cu gáy có đặc điểm là sống theo bầy đàn và có một con làm thủ lĩnh. Mỗi khoảng rừng sẽ có một đàn chim cùng một “ông hoàng” ngự trị. Con chim đầu đàn làm nhiệm vụ bảo vệ và lấy giống cho cả đàn. Bất kỳ con chim lạ nào xâm nhập lãnh địa thì chim đầu đàn có trách nhiệm ra đuổi đánh. Và để lên chức thủ lĩnh đàn chim thì con chim đực ấy phải chiến thắng tất cả những con đực khác trong đàn.

Anh Hoàng Văn Thanh- vua cu gáy ở huyện đảo Cô Tô


Nắm được đặc điểm ấy, Hoàng Văn Thanh, người được mệnh danh là “vua chim gáy” đất Cô Tô, luôn muốn bắt những con chim đầu đàn về để chơi. Ban đầu anh chọn một con chim có "tướng" rồi huấn luyện làm “chim mồi”. Đây là một quá trình cực kỳ công phu chả kém gì chăm con mọn. Nào là phải chọn thức ăn ngon, sạch. Hàng ngày phải chăm sóc, vuốt ve, "coi chim như con" để "lấy lòng" nó. Đến khi con chim quyến luyến chủ đến mức chủ bảo gì, nghe nấy - không bao giờ muốn rời bỏ chủ - thì có thể coi công đoạn huấn luyện chim mồi đã thành công một nửa. Kể đến đây, anh Thanh bật tay "tách" một cái, từ cửa chuồng đã mở, một con "bạch điểu" (chim cu gáy trắng) từ trong lồng bay vút lên trời như một mũi tên rồi từ từ đậu vào vai Thanh.

Thanh bảo, để huấn luyện được mức này thì chỉ mất khoảng 6 tháng đến một năm. Nhưng huấn luyện sao cho con "chim mồi" này đủ bản lĩnh để "chiến" sòng phẳng với những con chim rừng là một việc vô cùng khó khăn. Vốn chim rừng quen chinh chiến, nó không bao giờ ngán bất cứ đối thủ nào. Nhưng chim nhà mình nuôi, lúc mang con chim khác về thì có thể "chiến" rất "máu" bởi "chó cậy nhà, gà cậy chuồng". Nhưng đến khi mang ra "chiến" với chim rừng thì có con chưa đánh đã run. Thanh bảo, loại ấy thì chỉ có nước bán cho những người nuôi chim làm cảnh.

Săn chim

Hàng tuần, cứ khoảng 6 giờ sáng Thanh vác chim mồi vào rừng đánh bẫy. Tôi liền nằn nì xin đi theo một buổi. Lúc ấy mặt trời mới nhô lên ở góc rừng, chúng tôi đi sâu vào con đường mòn trong khu rừng khoảng nửa giờ đi bộ.

Con cu gáy mồi của anh Thanh

Đến nơi, sau khi treo chim mồi trên một chạc ba, Thanh kéo tôi chui vào một bụi găng rồi kể tiếp. Để bắt được con chim cần phải tinh thông thiên văn, địa lý như… Khổng Minh. Mắt sáng lên hãnh diện, Thanh thuật lại lần đi bắt con “mỏ quặp” trứ danh. Thanh đặt tên nó là con “mỏ quặp” vì mỏ nó quặp vào như mỏ vẹt. Con này thoạt nhìn Thanh đã "kết" lắm. Ngoại hình đẹp tuyệt vời, nhưng nghe nó gù thì vang hơn tiếng chuông đồng. Đã năm lần bảy lượt Thanh mang chim mồi đến đánh mà toàn...thua. Đến tận giêng hai năm ngoái mới thành công.

Suốt hai tháng trời, bầu trời chỉ toàn một màu u ám. Để tóm được con mỏ quặp thì con mồi của mình phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Phải có một chế độ chăm sóc đặc biệt. Hàng ngày chỉ cho ăn thóc và vừng đen, tuyệt đối không cho hót, đồng thời ủ ấm trong một chiếc lồng thật kín gió, có bóng điện đỏ giữ ấm cho chim. Mai phục suốt hai tháng, đúng vào một ngày mùa đông giá rét, đang ngồi cho chim ăn thì Thanh nghe có một cơn gió mang một luồng khí ấm thổi tới. Đến đêm thì thấy sao sáng vằng vặc. Thanh chắc chắn sang mai nắng ấm sẽ lên - chính là cơ hội tốt để tóm cổ con chim cứng đầu kia.

Sáng hôm sau, quả thật là bầu trời thật quang sạch. Những tia nắng ấm đầu của mùa hạ len lỏi vào từng nhành cây, kẽ lá. Thanh ôm con chim mồi đi vào đúng địa hạt của con "mỏ quặp". Treo con chim mồi và cái bẫy lên, Thanh chui vào một bụi cây ngồi chờ. Không phải chờ lâu, con chim mồi vừa cất lên tiếng "cúc cù cu" thật trầm hùng thì lập tức con mỏ quặp từ đâu bay vút đến. Nó chao mấy vòng trên không rồi đỗ vào một cành cây đối diện thi hót. Nhờ được ủ ấm và dưỡng sức, con chim mồi của Thanh có tiếng gáy chắc nịch, khiến cho con chim lão luyện kia phải gồng mình lên mới khỏi bị lép vế. Hai con chim đua nhau hót hàng nửa giờ đồng hồ mà vẫn bất phân thắng bại. Cuối cùng, con mỏ quặp tung mình lên cao lượn ba vòng trên không rồi lao vào định đánh giáp lá cà với kẻ địch. Chân chưa chạm xuống cành cây mà cánh nó đã đập phành phạch vào con chim mồi. Nhưng chỉ đánh được một miếng, khi chân nó đậu xuống thì “phựt”, cái bẫy đã sập xuống. Con chim cố vùng vẫy mong trốn thoát như không thể. Sướng quá, Thanh lao người từ bụi cây ra, ôm lấy con mỏ quặp chạy luôn về nhà, quên luôn cả con chim mồi.
Nét chim - nét người

Để chọn được một "anh" cu gáy hay, ngoài đặc điểm về ngoại hình của một con chim đã được lưu truyền từ xưa, như “đầu nhỏ, mỏ cong, cườm cao, giao cánh, ức nở” là con chim có thể lực sung mãn. Để nhận diện con chim tài hoa phải là “nhất huỳnh kiên, nhì liên giáp, tam quá khoé, tứ chân khô, ngũ liên hoành, lục cườm dựng” (nghĩa là: nhất- cườm vàng đóng xuống tận vai, nhì- bộ cườm đóng kín xung quanh cổ, tam- đuôi mắt đen kéo dài ra sau ót, tứ- cặp chân phải khô trắng như ruộng mùa hạ, ngũ- sắc lông, sắc cườm, từ đầu đến đuôi phải thật đều, lục- con chim có lông gáy dựng đứng là con chim dũng cảm).

Cánh rừng có rất nhiều cu gáy ở huyện đảo Cô Tô

Giọng gáy của chim cũng là một trong những cách chọn chim hay. “Sấm, đồng, thổ, kim, son” là những cung bậc, sắc thái riêng biệt trong giọng gáy của từng con chim, tuỳ theo cách ráp đôi của những cặp cu gáy trong tự nhiên mà dân chơi còn luận ra giọng “đồng sấm”, “đồng thổ”, “thổ rệt”, “thổ pha”…Người chơi chim cu gáy thường là người trầm tính, họ ít khi bốc đồng. Tiếng cu gáy cũng gợi sự trầm buồn. "Ai đã trót yêu giống chim mộc mạc của đồng quê này thì hầu như sẽ bị cám dỗ suốt đời, mỗi khi xa nhà mà nghe thấy tiếng cu gáy lại thấy nhớ quê hương da diết”.

Giọng cu gáy có nhiều sắc thái: giọng “chiêu” (cúc, cu, cu…cu là tiếng rủ chim từ xa); giọng “thúc” (cù, cù, cu ba tiếng một, thách thức khi đối thủ về cây) phải rõ ràng, đều. Ngoài ra con mồi có giọng cà lăm, hay “dặm” (cù…cù cù hai giọng đôi) sau tiếng “thúc” rất dễ dụ chim. Con chim nào hội đủ yếu tố “chiêu đồng, thúc thổ, gù kim” đó chính  là con mồi đệ nhất, sát chim số một, cực hiếm”.

Nuôi cho ra một con mồi tốt là cả một quá trình công phu, không chỉ đòi hỏi tình yêu của chủ với vật nuôi, mà cái chính là sự nhạy cảm, “mát tay”. Tuổi thọ của cu gáy là khoảng 20 năm, nuôi chim mồi từ năm thứ 6 trở đi là có thể đem đi "chinh chiến". Loại chim mồi xịn vô giá, quý hoá thì mới tặng nhau, mấy ai chịu bán. Thành thử muốn có chim mồi hay thường phải mất vài năm vo thóc đãi sạn chăm bẵm rất công phu. Khoảng thời gian ấy đủ để người nuôi hiểu rõ tính nết của con chim. Đó cũng là cái gốc của lòng đam mê thú chơi chim cu gáy, là một phần trong văn hoá sống của nhiều vùng quê trên dải đất này.  

Khi bắt được con “mỏ quặp”, có người khách du lịch thích quá, trả tới cả ngàn USD nhưng Thanh không bán. Thanh bảo, cả đời may mắn lắm mới được sở hữu một con tuyệt vời như thế. Đối với những người chơi chim mà thấy ai vác súng đi săn thì ghét lắm. Những cái bẫy Thanh tạo ra không bao giờ làm tổn thương đến con chim.

Cu gáy là loài chung tình, song máu ghen thì rất Hoạn Thư. Thanh có nuôi một đôi chim để lấy giống. Hôm mang con "mỏ quặp" về, con "vợ" mê quá, cứ chạy theo “mỏ quặp” suốt. Khi được trả lại vào lồng, con "chồng" nghỉ chơi với con "vợ". Cứ thấy con "vợ" là nó giương cánh giương mỏ đuổi đánh. "Khuyên bảo" mãi không được, Thanh nghĩ ra một mẹo. Chờ lúc tối trời, anh mang bình nước hoa phun vào cả hai con, lúc ấy con "chồng" mới chấp nhận cho con "vợ" vào. Nhưng đến sáng hôm sau, khi ra chuồng thì Thanh phải sững sờ vì con "vợ" lông cánh te tua, tắt thở từ lúc nào!

Rời Cô Tô tôi còn tâm đắc mãi lời một người bạn: "Trong cái thời buổi bon chen, nhiều khi chỉ cần lắng mình nghe lại một chút vang vọng, mơ màng cùng tiếng chim đồng nội cũng khiến người ta quên hết mọi ưu phiền".

theo TT&VH



Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 09 Tháng 6 2010 22:36