Countries

26.4%Viet Nam Viet Nam
24.2%United States United States
14.2%Germany Germany
6.9%Canada Canada
6.5%Israel Israel

Visitors

Today: 5
Yesterday: 20
This Week: 50
Last Week: 92
This Month: 317
Last Month: 129
Total: 3759


Thống kê

Các thành viên : 26542
Nội dung : 50
Liên kết web : 6
Số lần xem bài viết : 4936465
JoomlaWatch Stats 1.2.9 by Matej Koval
Những bài viết về cu gáy
Trên Đời Có Bốn Cái Ngu PDF. In Email
Viết bởi Tre làng   
Thứ tư, 25 Tháng 8 2010 15:22

Truyện Ngắn

Tác Giả: Phan Tình


Trên Đời Có Bốn Cái Ngu
Làm Mai Lãnh Nợ Gác Cu Cầm Chầu


Thật ra trong cái cõi đời ô tạp này nó có trăm, ngàn cái ngu chứ đâu chỉ có bốn cái Làm Mai Lãnh Nợ Gác Cu Cầm Chầu. Sao ca dao không nhắc đến những cái ngu kia, từ cái ngu nhỏ đến cái ngu to chả có cái ngu nào giống cái ngu nào. Lúc nhỏ đi học làm bài trật bị thầy mắng ngu, về nhà làm việc vụng về hư hỏng cũng bị mắng ngu,

lớn lên bước vào đời sống thì vướng không biết bao nhiêu là cái ngu.Tựu trung, làm một con người thì không tài nào tránh cho khỏi những cái ngu, hoặc bị người mắng đồ ngu. Nhưng xét cho cùng, nều ai cũng hành động khôn ngoan thì đời còn chi là thú vị. Tuy nhiên, nhờ những cai ngu đó, nhất là khi biết đó là những cái ngu thì không còn ngu nữa.

Theo truyền tụng nhân gian, thì trên đời có 4 cái ngu mà đệ nhất ngu là làm mai. Vậy chúng ta hãy bình tỉnh xét coi mai nhân ngu ở chổ nào.

Theo phong tục tập quán của dân tộc chúng ta, trai gái ít được tự do giao thiệp để tìm hiểu nhau trước khi tiến tới hôn nhân, do đó, việc dựng vợ gã chồng cho con cái đều phải có mai nhân tham dự vào. Dù hai bên gia đình trai gái đã có trao đỗi, hứa hẹn gả bán giữa nhau, những theo cổ tục vẫn cứ cần phải có nghi lễ đầu tiên là mai nhân bắn tiếng cho nhà gái trước. Như vậy, mai nhân là người có công đầu tiên trong việc dựng vợ gả chồng đúng như phong tục của chúng ta, vậy tại sao cho việc mai mối và mai nhân là ngu?

Làm tăng phần tốt đẹp tròn trịa trong phong tục do tổ tiên bày ra là ngu sao? Là người đầu tiên góp phần kết hợp cho đôi trai gái nên vợ nên chồng, sanh con đẻ cái nối dõi tông đường là ngu sao? Mai nhân đâu phải là người tự động chạy đến cầu cạnh để được mai mối, nhưng là chính cha mẹ đôi trai gái phải cầu cạnh đến mai nhân. Cầu cạnh mai nhân giúp đở xong rồi xoay qua mắng mai nhân là ngu thì xem ra không có văn hóa mấy.

Mai nhân là người có công vào thời trước và kể cả thời nay cũng vậy. Trong thời đại văn minh, mai nhân cũng theo đà tiến hóa mà se kết nên những cặp vợ chồng qua những trang kết bạn, trang hôn nhân và các văn phòng se duyên, tạo điều kiện cho những cặp trai gái nhút nhát, cả thẹn hoặc thiếu điều kiện thời gian và không gian tìm hiểu nhau.

Cái chuyện mai nhân tự mặc nhận là ngu hoặc bị người đời gán ghép cho ngu, xem ra hơi qúa đáng nếu không muốn nói là hàm hồ.

Mai nhân được lợi gì trong vấn đề xe duyên nên đôi vợ chồng? Ngày xưa trả ơn cho mai nhân là cái thủ lợn, ngày nay chỉ một khoản tiền nhỏ của dịch vụ se duyên. Nhưng công của mai nhân rất lớn, vì đã tạo cho rất nhiều cặp trai gái nên vợ nên chồng, sanh con đẻ cái nối dõi tông đường, đất nước thêm người thêm của giàu mạnh sung túc.

Vấn đề mai nhân bị đời gán ghép cho là ngu. Gia do cũng chỉ vì có những cặp vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, đâm ra đổ thừa oán trách mai nhân mai mối quàng xiên, thay vì phải tự xét lại gia đình đổ vỡ là do đâu.

Từ nơi những gia đình đổ vỡ đó, rồi trách mai nhân và cho cái chuyện làm mai là ngu, thì chẳng hoá ra ta chưởi luôn cả đến ông Tơ bà Nguyệt kẻ thừa hành Thượng Đế xây dựng gia đình trần gian. Thánh Kinh của người Công Giáo ghi: Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân chia..

Rất rỏ ràng, ai bỏ vợ bỏ chồng là tự ý mình gây nên, không thể trách trời trách đất, trách ông Tơ bà Nguyệt hoặc mai nhân và cái chuyện làm mai là ngu.

Đến cái ngu thứ hai là cái ngu lãnh nợ.

Trong đời làm gì có chuyện một người xa lạ dám đứng ra làm cái chuyện lãnh nợ cho mình, để đến khi mình trả không nổi họ sẽ… lãnh đủ sao? Khi có một kẻ nào đó dám lãnh nợ cho mình thì kẻ đó phải là người thân thích ruột thịt, hoặc là bạn bè thân tín, hay là người láng giềng thật tốt bụng. Tóm lại những người dám lãnh nợ là những người tin tưởng nơi mình, đặt niềm tin trọn vẹn vào lời hứa của mình thì mới lãnh nợ cho mình được. Đây là những người có một tâm hồn rất tốt.

Lãnh nợ cho người không phải là một điều ngu. Còn cái chuyện mình không chịu trả món nợ là do nơi mình không trọng lời hứa, hoặc có ý lường gạt, như vậy là một hành động của người đểu chứ đâu phải người lãnh nợ là ngu.

Tại sao lại cho người chịu lãnh nợ hộ mình là người ngu, một khi tâm hồn họ rất nhân hậu, dám vì anh em bè bạn mà lãnh nợ giùm. Họ cũng biết, mỗi khi ai đó phải đi vay nợ là đã cạn vốn liếng, là chỉ còn cái khố che thân thôi. Và họ cũng biết luôn nếu ai đó không chịu trả nợ thì họ sẽ lãnh đủ. Mặc dù đã biết sự nguy hiểm sẽ đến với họ khi chịu đứng ra lãnh nợ giùm người, nhưng họ vẫn lãnh nợ cho người, thì đó là một con người tốt có lòng thương người, là một hành động nhân hậu, khôn ngoan chứ không phải là ngu. Một người như vậy mới đúng nghĩa là một con người.

Ai nghỉ cái hành động lãnh nợ là ngu là không đúng đạo lý ở đời rồi.

Vì, ở đời mấy ai dám tự hào rằng không bao giờ mắc nợ. Từ bậc đế vương công hầu khanh tướng, cho chí dân ngu khu đen đều có vướng phải nợ cả. Sanh ra là đã vướng phải nợ, đồng thời cũng sẽ có người lãnh cái nợ đó cho mình.

Nguyên một cái chuyện vừa mới oe oe chào đời hôm trước hôm sau là đã bỉnh của nợ ra đầy đít, ai là người lãnh cái đống nợ đó nếu không phải là cha mẹ, ông bà. Dù trên danh nghĩa gì thì họ cũng đã phải lãnh cái của nợ đó rồi.

Dân tộc chúng ta có câu châm ngôn thiệt gói ghém ân nghĩa tròn trịa.

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây.

Nhớ đây là nhớ ơn những người đã khó nhọc trong những công việc vất vả. Ta có bát cơm ăn là nợ bác nông phu, ta có áo quần mặc là nợ kẻ trồng dâu chăn tằm, ta có nước uống là nợ người đào giếng. Rồi thì chỉ mới hơn 30 năm nay thôi khi sau tháng 4/75 hơn triệu người chúng ta chạy sang đây lánh nạn cộng sản, trứơc là ở mấy trại tỵ nạn Á Châu, nào là tiền ăn thức uống, thuốc men chạy chữa, trang trại nhà cửa cho chúng ta ngủ nghê…đổ cả đống nợ ra đó ai là người lãnh? Rồi đến khi được đi nước thứ ba thì ôi thôi còn khối món nợ ra đó, nào tiền tàu bay, taù thủy, xe cộ đưa đón, tìm nhà tìm cửa, lo công ăn việc làm, lo an sinh xã hội và còn không biết bao cái lo khác cho chúng ta được ổn định cuộc sống trên mảnh đất mới. Ta có phải là…tía họ đâu mà họ phải lãnh nợ cho chúng ta dữ vậy? Trong chúng ta, những thành phần tỵ nạn sau 75 có ai đã trả được phần nào cho kẻ lãnh nợ hộ ta chưa??? Nhưng đó là những mối nợ ràng buộc, qua lại giữa chúng ta trong đời sống mà chúng ta còn có cơ hội trả được. Nhưng còn những mối nợ khác mà cho đến chết chúng ta cũng không tài nào trả nỗi. Đó là những mối nợ trời đất mà ta đang hưởng nhờ:

Không khí cho ta thở hít, mưa nắng cho ta cày bừa, đêm ngày cho ta phân biệt thời gian, thiên nhiên hoa lá cho ta nhìn ngắm, chim muông thú vật cho ta thưc phẩm. v.v… ta nợ trời đất biết chừng nào mà kể. Những mối nợ đó ta đã không tài nào trả nổi, lại còn phạm thêm bao nhiêu là nợ nần tội lỗi khác, đến đỗi chính Ngôi Hai Thiên Chúa phải giáng trần chịu chết trên thập tự gía để cứu chuộc nợ nần tội lỗi giúp cho chúng ta được rỗi.

Bộ những hành động lãnh nợ cho nhau đó đều là ngu cả sao? Vừa thôi chứ, bộ coi mấy cái chuyện đối xử tốt lành thương yêu nhau của tình Chúa, tình người là ngu sao?

Rồi đến hai cái ngu sau là Gác Cu và Cầm Chầu.

Đây thuộc trong lãnh vực nghệ thuật âm nhạc và tiêu khiển giải trí, thì phàm phu tục tử làm gì hiểu thấu đáo cặn kẻ những thú vui thanh nhã của tao nhân mặc khách mà lên tiếng bình phẩm khôn dại

Ai là người chiếc giải âm luật một cách thuận tình hữu lý? Ai là người phân biệt, thông hiểu đâu là tiếng cu gáy gù mái, hoặc lúc cùng địch thủ chuẩn bị xung trận so tài hơn kém. Phải là người đã dày công học tập nghiên cứu mới có thể giải bày rốt ráo và tận hưởng đến tột cùng những thú vui tao nhã đó.

Cầm chầu để thưởng phạt một cách công bằng cho một màn hát của ca nhi, đâu phải ai ai cũng cầm chầu được. Có hiểu được âm luật, có rành về tuồng tích, và phải có tâm hồn trong sáng lành mạnh không bị cám dổ bởi lớp son phấn, sắc diện của ca nhi thì mới có thể cầm chầu công minh được.

Một người đã đạt đến trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật thấu đáo và trong sáng khi cầm chầu như vậy là ngu sao?

Gia do gán ghép cái chuyện cầm chầu là ngu, cũng chỉ tại nơi mấy anh hề diễu dở, không được tiếng chầu khen thưởng rồi xoay ra chưởi kẻ cầm chầu:

« Da trâu chứ có phải da… tía anh đâu mà không đánh »

Chưởi như vậy chỉ tổ tăng thêm cái sự thiếu văn hóa của mình thôi, người giám khảo cầm chầu không hề suy suyển.

Tóm lại, người cầm chầu như vị giám khảo cuộc thi, họ phải có một trình độ cao, ít nhất họ phải rành sáu câu trong nghệ thuật âm nhạc, tuồng tích như đã nói ở trên.

Những người có trình độ như vậy thì không thể cho là ngu được.

Còn như cái chuyện gác cu cũng vậy. Đây là một cái thú tiêu khiển thanh nhàn. Gạt bỏ mọi phiền toái nhân gian, tìm vào chốn sơn lâm thoáng mát, cây gió im lìm, hương hoa trăm thức, ngát mùi rừng núi bao la. Ta ngồi thả hồn say đắm vào tiếng cu rúc lên từng hồi, để tận hưởng cái thú, cái khoan khoái của sự đoán định tiếng cu còn ở xa hoặc gần, cu non hay cu già, rồi ta sùy con cu mồi và lắng tai nghe hai chú cu vươn cao cổ cất tiếng gáy đối đáp, có tiếng nghe như chọc ghẹo nhau, lúc như châm chích, tức bực như muốn sấn sổ vào nhau. Cuối cùng không chịu nỗi tiếng gáy có tập luyện của chú cu mồi, con cu hoang nhào vào ăn thua đủ và…sập bẩy !!! ta thở phào khoan khoái như chính ta đã chiến thắng sau một cuộc so găng.

Có đi rừng gác cu thì mới hiểu được cái sung sướng tuyệt vời của kẻ gác cu. Còn không, cứ ngồi nhà võ đoán bây bạ muỗi đốt, kiến cắn hoạc bị…mụ vợ cằn nhằn la lối, rồi gán cho cái thú gác cu là ngu là không đúng rồi đó.

Nếu cứ cho rằng đi gác cu là ngu, thì trên đời còn có khối cái thậm ngu hơn. Thí dụ như mê đá gà, ngoài cái sự thua độ tốn tiền ra còn phải thức khuya dậy sớm chăm lo nuôi nấng tập tành tẩm luyện, hút đờm hút dãi mất vệ sinh qúa đi thôi. Rồi nào là mê cá ngựa đến tàn gia bại sản, mê cờ bạc, mê hút sách chích choác, mê nhảy đầm, thậm chí còn mê…gái nữa mới chết…Cái mê này thiệt là thậm ngu đa, co nguy cơ tan cửa nát nhà, mấy bà vợ sẽ tru tréo lên:

Cha tiên sư cái sự đời, bộ bụt nhà không thiêng sao mà chạy theo của lạ, để cho bà phải ngậm đắng nuốt cay, đêm năm canh vò vỏ một mình:

Năm thì mười hoạ hay chăng chứ. Một tháng đôi lần có cùng không !!!

Biết không hở cái thằng… gìa dịch mê tom chát mà ăn phải bùa mê thuốc lú !

Cái mê nào cũng có cái thú của nó, đồng thời cũng không ít cái hại. Trong những cái hại ta nên lựa cái ít hại nhứt mà chơi như gác cu chẳng hạn, chứ đừng có vơ đũa cả nắm mà phê phán sự khôn ngu ở đời này, trong khi ta chưa hiểu một chút gì về thú tiêu khiển đó cả.

Nguồn: caycanhvietnam

 
BỐN CÁI NGU PDF. In Email
Viết bởi Tre làng   
Thứ tư, 25 Tháng 8 2010 15:06

(Truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam)

TTO - Mấy người hàng xóm la hoảng lên:- Tư Hưng đâu rồi! Nuôi heo bầy mà bỏ nó chạy cùng đường cùng sá. Sao không nhốt lại?... Thiệt hết nói. Tanh rình tanh ói, chỗ nào cũng một đống, ai hơi đâu mà hốt. Nó còn ủi nền nhà, phá mấy liếp cải. Nói ra thì mích lòng, để trong bụng thì ấm ức.

Tư Hưng từ đầu xóm chạy lơn tơn về, lớn tiếng thanh minh:

- Bà con ơi! Tôi nhốt heo lại rồi. Chắc tại vợ tôi quên... Vợ tôi nó dại dột thì tôi chịu tội.

Nói xong, Tư Hưng chạy lùa ba con heo nái. Heo chạy tán loạn, đâm ngay vào vách lá, chui vào trong nhà. Anh ta nói to:

- Em ơi! Coi chừng heo chạy bể đồ đạc.

Nhưng hỡi ơi! Trong nhà không có một tiếng trả lời. Anh ta vào nhà, chạy tới trước cửa ngõ nhìn dáo dác. Vợ anh đâu rồi? Hay là đã xách gói trở về nhà cha mẹ ruột? Bốn tháng qua, vợ chồng anh ta gây lộn liên tu bất tận, tính đổ đồng hai ngày là xảy ra một cuộc cãi vã.

Tư Hưng nói:

- Đi đâu đi phứt cho rảnh. Gặp con vợ như vầy mau tàn mạt lắm. Thật là...

Vừa lúc ấy, ông Hai Kiểm đi ngang qua, lên tiếng:

- Chuyện gì đó Hưng? Vợ chồng mới cưới, nếu cơm không lành canh chẳng ngọt thì đóng cửa dạy nhau...

- Dạ, chuyện rắc rối lắm, đổ bể tùm lum.

- Cái gì đổ bể?... Cháu nói mau.

Ông Hai Kiểm xụ mặt, tưởng tượng đến những hậu quả tai hại mà ông gánh lấy. Chính ông đã làm mai mối cho Tư Hưng cưới vợ. Bên gái đòi một đôi bông búp, hai chiếc vòng đúng một lượng vàng. Vì muốn tác hợp cho hai trẻ là người dưng nên ông Hai Kiểm vẫn làm gan lãnh nợ, vay giùm cho gia đình Tư Hưng số tiền khá to. Chủ nợ hỏi: “Rồi làm sao vợ chồng nó đủ sức trả?”. Ông Hai Kiểm đáp: “Vợ chồng nó sẽ nuôi heo nái, bán heo con lần hồi”.

Những chuyện đáng buồn đã xảy ra, thấu tai ông Hai Kiểm. Dư luận hàng xóm đã đồn đãi quá nhiều. Ban nãy ông gặp cô vợ trẻ của Tư Hưng ở bờ chuối, sát ven đường. Ông hỏi:

- Cháu làm gì vậy đó?

Cô vợ nọ đáp:

- Dạ, cháu cắt lá chuối khô đem về bó lại, làm ụ cho heo ngủ.

- Cháu biết lo xa, bác mừng lắm. Xứ này nhiều muỗi, để heo ngủ trần là mang tội. Làm sao heo mau lớn đúng tạ được? Sao thằng Hưng không ra đây làm công việc tiếp với cháu?

Cô vợ nọ ôm mặt khóc. Bấy giờ, ông Hai Kiểm mới nhìn tường tận: gò má cô ta bầm tím. Ông thở dài, định tìm Tư Hưng để dạy dỗ. Dè đâu vừa đi ngang cửa là nghe giọng nói vô lễ của anh ta.

Ông Hai Kiểm vào sân, nói lẩm bẩm:

- Làm gì mà quát nạt? Cái gì đổ bể?

- Dạ, mời bác vô nhà, cháu nói hết đầu đuôi cho bác nghe.

Rồi Tư Hưng tố cáo bao nhiêu sự lơ đễnh của vợ: nào vợ ngủ trưa, nào vợ kho cá ăn mặn đắng, nào vợ lười biếng nuôi heo. Và nhứt là ưa cãi vã với chồng. Hễ giận hờn, lập tức cô vợ bỏ nhà ra sau vườn.

Ông Hai Kiểm dùng tình cảm để khuyên nhủ:

- Nó lo cắt lá chuối khô chớ đâu phải dạo xóm ngồi lê đôi mách hoặc đánh bài tứ sắc. Cháu hãy bình tĩnh. Vợ nó có lỗi thì hãy dạy dỗ bằng lời nói nhỏ nhẹ.

Tư Hưng nói nhanh:

- Dạ, nó cứng đầu lắm. Hễ cháu đánh thì nó đứng lì một chỗ, không thèm chạy.

- Ừ... Nhưng mà cháu đừng đánh ngay con mắt vợ.

Tư Hưng phục thầm sự nhận xét của ông Hai Kiểm:

- Sao bác biết?

- Trời đất xui khiến như vậy. Bác sống tới năm nay là sáu chục tuổi rồi. Đàn ông ưa bạt tai vợ, táng ngay con mắt. Rủi đui con mắt thì sao?

- Cục cu cu... cu! cu!

Ông Hai Kiểm bước tới lui, ngắm nghía con cu mồi mới mua ở Xẻo Bần với giá là mười giạ lúa. Ông bắc ghế, đứng lên, mang cặp kiếng, nói thì thầm:

- Ồ! Con cu hai cốt. Chưa chắc! Hồi bữa hổm, nó gáy tới bốn cốt.

Rồi bác đưa tay lên miệng, bụm lại, nhái giọng gáy:

- Cục cú cu... cu!

Tức thời con cu mồi nhảy nhót, vỗ cánh, đòi bay ra khỏi cái lồng bằng tre. Nó dừng lại, há mỏ, ưỡn ngực:

- Cục cúc cu... cu! cu! cu! cu!

Ông Hai Kiểm cười giòn:

- Giỏi quá! Trót làm thằng ngu thì ngu luôn cho trọn kiếp. Sáng mai, mày nhớ gáy đủ bốn cốt cho tao!

Từ ngoài cửa, Tư Hưng bước vào. Anh ta nghe lóm tiếng được tiếng mất:

- Bác Hai ơi! Nói chuyện với ai vậy?

- Tư Hưng đó hả? Bác nói chuyện với con cu mồi. Gần Tết rồi. Cu gáy vang dậy ngoài đồng, bác tính cho con cu mồi này ra nghề. Mua tới mười giạ lúa đó.

Tư Hưng vẫn thắc mắc:

- Con cu này mua quá mắc nhưng tại sao ngu dại. Nếu nó khờ thì luyện tập lại. Bác rành nghề gác cu lắm mà.

Một dịp may để ông Hai Kiểm giải tỏa bao nhiêu thắc mắc. Ông rót nước trà ngồi cao hứng rung đùi:

Ở đời có bốn cái ngu,

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.

- Mấy câu đó ý nghĩa như thế nào?

- Khó lắm. Nói ra sợ cháu hiểu lầm. Ông bà mình hồi xửa hồi xưa đặt để câu đó, nhắn nhủ mấy người lớn tuổi mà ưa làm câu chuyện bá vơ như bác. Cháu thử nghĩ: bác ở không suốt ngày, chỉ còn biết tiêu khiển bằng cách thăm viếng người chòm xóm, giúp đỡ lặt vặt. Rồi thì dưỡng nhàn. Cháu biết tại sao làm mai là cái ngu dại thứ nhứt?

Tư Hưng đáp:

- Dạ, cháu hiểu mơ màng thôi...

- Nói ra, cháu đừng giận nghe không. Mình làm mai, giúp hai gia đình bên trai, bên gái kết tình thông gia. Nếu con cái họ ăn ở với nhau êm ấm thì thôi. Nhược bằng gặp thứ trai lỗ mãng, thứ gái lười biếng hỗn hào thì thế nào bên trai hay bên gái cũng trách móc ông mai. Nào là thằng rể hoặc con dâu đó tệ quá. Không khéo, vài ngày nữa, nếu vợ chồng cháu chưa hòa thuận với nhau được...

Tư Hưng cúi đầu:

- Dạ, cháu hứa...

- Đây là cái ngu thứ nhì cùa bọn già cả, có chút ít thể diện hoặc điền sản như bác. Mình lãnh nợ giùm cho thiên hạ, nếu con nợ trả đủ thì chủ nợ vui sướng, hưởng tiền lời. Bằng không, họ lại mắng vốn... Còn cái ngu thứ ba là thú gác cu.

Nghe đến đó, Tư Hưng mỉm cười. Gác cu tức là đem con cu mồi ra ngoài ruộng để cho cu gáy lên, nhử bắt con cu rừng. Mấy ông cai tổng, ông hội đồng địa hạt thường gác cu vào mùa này. Tư Hưng còn nhớ năm ngoái ông cai tổng đi gác cu với vài đứa tiểu đồng, mang theo nào trà ấm, áo mưa, thịt gà, cơm nếp. Tại sao gác cu là cái ngu dại thứ ba? Anh ta hỏi mãi nhưng Hai Kiểm cứ lắc đầu. Sau rốt, anh ta gợi ý:

- Dạo này, hễ ở nhà thì gây gổ với vợ. Cháu muốn theo bác, làm đứa tiểu đồng để học nghề. Hồi đó tới giờ, cháu ưa đá gà, đá cá thia thia. Mai kia mốt nọ, về già, cháu sẽ gác cu như bác.

- Đừng, cháu ơi. Dại dột lắm.

Con cu mồi gáy vang lên. Ngoài bờ tre xa xôi, dường như có tiếng đáp lại, khiêu khích - “Cu kêu ba tiếng cu kêu, cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè”. Ông Hai Kiểm căn dặn Tư Hưng nên về nhà giúp công việc lặt vặt cho vợ bớt mệt. Nhứt là sửa cái chuồng heo, đừng để lối xóm phiền hà...

Sáng hôm sau, Tư Hưng đã có mặt tại nhà ông Hai Kiểm. Hai người ăn cơm rang dằn bụng rồi lên đường. Ông Hai Kiểm đi trước, xách cái lụp, tức là cái lồng bằng dây chì, trong đó có để con cu mồi. Tư Hưng theo sau, vác một cây sào dài, đầu cây sào có cái móc nhỏ bằng sắt. Lại còn có cái bình tích, đầy trà nóng, hộp quẹt và chiếc chiếu.

Gió chướng thổi lao xao mang hơi lạnh từ phía tây bắc, báo hiệu ngày gần Tết. Mặt trời lên cao, bầu trời vẫn chưa trong sáng. Vài đám mây đen bay lởn vởn, thứ mây chuyển mưa còn rơi rớt. Mùi lúa chín xông lên vừa nồng vừa ấm. Quả khỏi bờ ven, hai người đều xăn quần lên tận gối. Lá lúa cứa vào da, hơi rát. Đôi khi, bùn ngập tới nửa ống chân. Vài con cò trắng đáp xuống vũng nước cạn, rình cá tôm. Ông Hai Kiểm bước khá nhanh, đôi mắt nhìn đăm đăm về hướng cây gáo cổ thụ, giữa đồng.

Đến nơi, Tư Hưng đứng lóng nhóng. Ông Hai Kiểm nói:

- Trải chiếu ra, ngồi xuống. Nếu khát nước thì uống trà cho thấm giọng. Trèo lên cây gáo, bẻ vài nhánh cây nhỏ, quăng xuống cho bác.

Ông Hai Kiểm đem lá cây ghim trên cái lụp:

- Nhớ làm như vầy để cho cu rừng không thấy cái lồng bằng dây chì. Lát nữa, cu rừng sẽ bay tới, đậu trên cái sàn, trước mặt lụp.

- Còn mớ lưới này?

- Mình giương lưới lên, gài chốt. Cu rừng đến trước mặt cái lụp, khiêu chiến. Nếu cu đạp nhằm cây chốt, lưới chụp xuống cái sàn, túm con cu rừng.

Đâu đó xong xuôi, ông Hai Kiểm dùng cây sào có móc sắt mà đưa cái lụp lên gần trên ngọn cây gáo. Ông bước ra xa, nhìn đôi ba lần khen ngợi:

- Được rồi. Cu rừng chẳng bao giờ biết con cu mồi đang bị nhốt trong cái lụp. Và trước mặt lụp là cái sàn nhỏ, có lưới giương lên. Êm lắm!

Hai người rút lui vào lùm cây mua, hơi thấp, vạch một lỗ khá to trong lùm rồi chui vào. Tư Hưng nói nhanh:

- Giống như ngồi trong hang...

- Ồ! Người gác cu ngồi ngoài bờ ngoài bụi như vầy. Nếu đứng lom khom ở ngoài chỗ trống trải, cu rừng đâu thèm tới nạp mạng.

Ngồi giữa lùm cây, ông Hai Kiểm hút hết điếu thuốc này qua điếu thuốc khác. Con cu mồi bị nhốt trong lụp bắt đầu gáy vang:

- Cúc cù cu... cu! cu! cu!

Ông cười giòn:

- Giỏi quá! Ra đây, nó gáy tới ba cốt.

Tư Hưng hỏi:

- Dạ, cốt là cái gì?

- Theo tiếng lóng của nhà nghề, mấy tiếng cúc cù cu, gọi là tiếng cốt. Con cu mồi này gáy ba cốt. Bảnh quá! Cháu nghe lại thử. Nó gáy kìa!

Từ ngọn cây gáo, con cu mồi cất tiếng thảnh thót:

- Cúc cù cu... cu! cu! cu! cu!

Ông Hai Kiểm nhướng mắt:

- Đó... nó gáy đủ bốn cốt. Loại cu nào nhiều cốt thì được cu mái say mê. Lúc lúa chín, cu rừng bắt đầu “phân đồng”, mỗi con cu trống, chiếm một khu vực riêng biệt, từ cây này qua bờ tre bên kia. Nó tha hồ ăn lúa chín, và tình tự với bọn cu mái. Nếu có con cu trống nào toan vào khu vực của nó, nó sẽ đánh đuổi, đá và cắn tơi bời. Thí dụ như khu vực này, từ cây gáo qua bờ tre, đã có sẵn một con cu trống làm bá chủ. Mình đem con cu mồi này tới để xâm chiếm. Lát nữa, con cu trống sẽ ra tranh cắn, đánh đuổi con cu mồi này để rồi bị lưới chụp xuống.

Thời khắc trôi qua chậm chạp. Tư Hưng bắt đầu nản chí, muốn xin phép rút lui về nhà để... nuôi heo trả nợ đám cưới. Bỗng đâu từ phía bờ tre đối diện có giọng gáy thanh tao:

- Cúc cù cu... cu cu!

Ông Hai Kiểm ngồi nhốm tới, nép sát vào bụi cây mua, mang kiếng, nhìn qua kẽ lá:

- Đó! Con cu rừng lên tiếng, đòi đá lộn với con cu mồi của bác.

- Sao nó chưa qua?

- Cháu nên bền chí. Cu rừng khôn ngoan lắm. Nó hồ nghi điều gì... bất an. Nhiều con cu rừng đã bị lưới chụp hụt vài trận rồi. Nó còn dè dặt, dò xét tình hình.

Trên ngọn cây, cu mồi gáy lên, thúc giục:

- Cúc cù cu... cu! cu! cu! cu!

Từ phía bờ tre, cu rừng bay nhanh qua cây gáo, đảo hai ba vòng, toan đáp xuống.

Tư Hưng nói:

- Nó tìm kẻ thù hả bác?

- Nói chuyện nho nhỏ một chút. Coi chừng nó nghe. Nó tìm kẻ tình địch. Cu rừng này cho rằng con cu mồi trong bụi là kẻ từ nơi xa lạ đến xâm chiếm cánh đồng lúa để ăn no và chiếm đoạt người yêu của nó.

- Tại sao nó bay qua đây! Hồi nãy bác nói con cu rừng này đầy đủ kinh nghiệm, chết hụt nhiều lần nên khôn ngoan...

- Lời tục thường nói: Biết chết nhưng cũng nhào vô. Con chim ghét nhau vì tiếng gáy. Cu rừng gáy hai cốt ghét con cu mồi gáy tới bốn cốt. Nó cho rằng có kẻ bảnh trai hơn, toan chiếm đoạt sự sống của nó... Im đi.

Qua kẽ lá, Tư Hưng thấy rõ ràng con cu rừng. Nó thuộc loại cu cườm, mớ lông chung quanh cổ nhuộm màu hường dợt, lấm tấm những điểm trắng tuyết, mỏ và đôi chân đỏ sậm. Nhứt là con mắt tròn xoe, sáng ngời lấp lánh như giọt máu tươi.

- Nó khôn quá. Nó nhảy trên nóc lụp chớ không thèm nhảy trước cái sàn để vướng vào bẫy!

- Cháu nói đúng. Nhưng con cu mồi của bác còn khôn hơn!

Con cu mồi nhảy nhót, vỗ cánh ngược lên trời... nhưng bầu trời của nó quá hẹp, nó té xuống. Nó bước tới sát lưới, quơ chân. Cu đá nhau như gà, dùng mỏ mà cắn, đưa chân mà quào. Con cu rừng cứ bay quanh quẩn rồi đứng trên lụp mổ xuống, để khỏi sa vào cạm bẫy. Lát sau, nó bay lên trên cao... trở qua bờ tre gáy inh ỏi, thứ tiếng gáy kém đẹp, có hai cốt “cu, cu” khi chấm dứt.

Ông Hai Kiểm đưa tay lên miệng, nhái tiếng gáy để thúc giục cu mồi. Cu mồi lại gáy, khoe giọng thiên phú, đến bốn cốt. Nắng lên cao. Cu rừng dường như còn phân vân, chưa chịu xáp chiến.

Tư Hưng thở dài:

- Chừng nào nó bay qua đây...

Ông Hai Kiểm đáp:

- Bữa nay không xong thì chờ ngày mai, ngày mốt. Ngày mai ngày mốt không xong thì ngày nọ, ngày kia... Gác được một con cu rừng khôn ngoan, mình vui hơn là gác con cu rừng thứ dại dột. Cháu mệt mỏi rồi hả?

Tư Hưng ngáp dài:

- Để cháu về nhà, lo cái chuồng heo.

- Cháu muốn về thì cứ về. Bác không dám cản cháu.

Nghe vậy, Tư Hưng lật đật cầm cây sào, bước ra khỏi lùm cây. Ông Hai Kiểm kêu lên thất thanh:

- Làm gì vậy? Cháu về thì về một mình. Để bác ở lại...

Bảy ngày sau, Tư Hưng đã quên hẳn chuyện gác cu của ông Hai Kiểm. Hàng ngày, anh ta lo nuôi heo, quét nhà, sửa sang bồ đựng lúa. Vợ chồng đối xử với nhau êm ấm.

Lúc vợ chồng Tư Hưng đang ăn cơm chiều, bà Hai Kiểm chạy vô sân, nói hơ hải:

- Tư! Mày thấy bác Hai mày ở đâu không?

Trời mưa lất phất, lạnh lẽo. Trận mưa bấc dai dẳng, còn rơi rớt. Tư Hưng nhìn bà Hai Kiểm, thương hại:

- Chuyện gì mà bác gái dầm mưa? Lâu rồi, cháu không gặp bác trai.

- Ổng đi gác cu với mày mà! Mỗi ngày mỗi đi, từ bữa đi chung với mày đó.

- Dạ, cháu theo bác trai có một buổi đầu mà thôi...

- Kiếm bác trai mày giùm tao! Tao hồ nghi quá.

Lập tức, Tư Hưng buông chén đũa, chạy ra sau vườn. Trời vẫn mưa. Mặt trời khuất đâu mất, cảnh vật tối om. Cây gáo đứng trơ vơ giữa đồng như bóng ma trơi. Tư Hưng lục soát bụi cây mua hôm trước. Lạ quá! Ông Hai Kiểm đâu rồi! Trên ngọn cây, chẳng có cái lụp nào cả. Tư Hưng thất vọng, trở về. Bỗng dưng, anh ta nhớ tới cái bờ tre bên kia, đối diện với cây gáo. Anh ta chạy qua, nhướng mắt: giữa bụi tre, cái lụp gác lơ lửng, trên đó có con cu mồi và một con cu rừng bị lưới chụp.

Cu rừng và cu mồi đều cú rũ, bất phân thắng bại vinh nhục, lông cánh lù xù vì dầm mưa quá lâu. Nhưng ông Hai Kiểm ở đâu? Tư Hưng toan kêu lên nhưng sợ làm lộ bí mật nhà nghề. Anh ta bèn đưa hai tay lên miệng, bụm lại, nhái tiếng cu kêu:

- Cúc cù cu... cu! cu! cu!

Bỗng nhiên, bụi nhãn lồng nhúc nhích. Có tiếng rên hừ hừ. Tư Hưng ngỡ là ma nhát, sửa soạn co chân tẩu thoát. Nhưng giọng run rẩy của ông Hai Kiểm vang ra từng đợt:

- Cứu... tao... tao gần chết... á khẩu...

Tư Hưng cõng ông Hai Kiểm vào nhà, đốt lửa hơ, cạo gió, mua thuốc cảm mạo, nấu cháo thương hàn... Vài phút sau, ông Kiểm mới tỉnh táo, nói thân mật:

- Tao chờ đợi... mắc mưa suốt buổi. Con cu mồi hay quá. Rốt cuộc con cu rừng chịu đá lộn, mặc dù bị gài bẫy nhưng cũng đá. Vui quá... Ủa! Ngu quá. Con cu rừng đó, tao cho vợ chồng bây nướng ăn. Hồi xưa, nhiều người đi gác cu như tao, ngồi rình mò dè đâu phía sau lưng có con cọp đang chờ ăn thịt họ. Gác cu không đem lợi lộc gì ráo mà mình ham. Cái thói phong lưu đó nguy hiểm lắm. Nếu mày không ra ngoài cứu kịp thì tao á khẩu, chết luôn ngoài bụi tre rồi. Đó là cái ngu thứ ba: “Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu mà!”

Tư Hưng mỉm cười, nhớ đến cái ngu thứ nhứt, thứ nhì:

- Dạ, hai vợ chồng cháu cỡ này đề huề lắm. Ba con heo nái đang có chửa, món nợ mà bác bảo lãnh hồi cháu sửa soạn cưới vợ...

- Tao hiểu rồi. Ráng mà làm ăn. Thôi tao về kẻo bác gái mày trông đợi.

- Dạ, trời còn mưa lai rai. Để cháu nhắn tin cho bác gái hay... Còn cái ngu thứ tư nó ra làm sao bác?

- Cầm chầu hát bội. Rằm tháng Giêng, cháu sẽ thấy. Hễ mình ít “chầu”, bọn đào kép cho rằng mình là thằng già cầm chầu khó khăn, phách lối, khinh khi kẻ xướng ca vô loại. Nhưng nếu mình đánh chầu đúng điệu thì có kẻ gièm xiểm, cho rằng mình là thằng già dê, cứ đánh chấm khen ngợi mấy cô đào trẻ mà quên mấy cô đào già.

Tư Hưng nắm bàn tay gân guốc của ông Hai Kiểm:

- Bác tử tế quá.

- Sao mày biết? Đừng nịnh tao. Vợ chồng mày nên ăn ở thuận thảo đi.

Giọng Tư Hưng như ngậm ngùi:

- Bác dám lãnh đủ bốn cái ngu trên đời... không màng tiếng bấc, tiếng chì. Cái tiêu khiển của bác không làm hại cho ai. Và bác dám gánh trách nhiệm để cho kẻ khác vui sướng. Cháu phục mấy ông già xưa quá trời.

SƠN NAM, Tuoitre

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 25 Tháng 8 2010 15:17
 
CON CHIM GÁY THỔ ĐỒNG PDF. In Email
Viết bởi Administrator   
Thứ tư, 25 Tháng 8 2010 14:50


Xóm Chùa có một ngôi miếu cổ, khu vườn miếu rộng tới vài sào bắc bộ trồng nhiều cây ăn quả lưu niên, xung quanh là bờ tre cao vút xen lẫn những khóm duối rậm rịt là nơi cư trú thích hợp cho những họ hàng nhà chim. Cứ sáng sớm tinh mơ khi mọi người đi làm thì đàn chim cũng tỉnh giấc, chúng thi nhau hót râm ran cả khu vườn. Trong bản hợp xướng hỗn tạp ấy người ta vẫn nhận ra giọng gáy của một đôi chim gáy.
Dân chơi và đánh bắt chim khôngđâu bằng HÀ NAM. Đánh bắt chim là một thú vui và cũng là nguồn thu nhập của dân vùng đảo. Nhưng chọn ra được những thợ lành nghề ấy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
ẤY thế mà tới chục tay đánh chim nổi tiếng khi đến xóm Chùa vẫn không dụ được con chim ấy xuống đất. Trong số những thợ đánh chim nổi tiếng chỉ còn mỗi anh Tuệ là chưa vác lưới đến xóm Chùa. Đã có nhiều người đến mách anh về con chim gáy ở ngôi miếu cổ, anh chỉ cười hóm hỉnh: " Cứ để các bác ấy đánh đi, chim trời mà !". Đợi lúc mọi người đã nản vào một buổi chiều anh Tuệ mặc quần áo chỉn chu lững thững đi thăm miếu. Thấy có người đàn ông lạ, một lũ trẻ nhóa nhác chạy ra. Mới đầu còn bẽn lẽn đứng nhìn, sau chúng dánh bạo đến hỏi:
- Anh đến đánh chim phải không?
- Không! Anh đi chơi thôi.
Sau một lúc nhìn kỹ anh Tuệ, bọn trẻ cho rằng anh là người trên thị xã về chơi, chúng trở nên cởi mở.
- Ở đây có một con chim gáy hay lắm anh ạ!
- Nó gáy thế nào?
- Em gọi nó gáy để anh nghe nhớ! Cũng đứa trẻ lúc nãy đưa hai tay lên miệng làm loa, miệng chụm lại " Cụ cù! Cục cù!". Có tiếng vỗ cánh phành phạch! Trên ngọn đa trong miếu. Một chấm đen lao vút lên không. Lát sau có tiếng gáy " Cụ cù! Cục cù!". Rồi nó đổi giọng " Cục cúc cu cu ...cù!" Anh Tuệ reo lên " Trời! Con chim gáy "lèo chu, gụ gốc", tiếng gáy thổ đồng hiếm lắm, quý lắm!".
Một đứa trẻ tò mò hỏi- Thổ đồng là gì? Lèo chu, gụ gốc là gì hở anh?
Anh Tuệ kéo chúng ngồi xuống vạt cỏ giảng giải:
- Người ta chia tiếng chim gáy làm ba loại: Tiếng gáy trong vắt tròn như tiếng còi gọi là thổ còi; Tiếng gáy không vang mà dền dệt như đờm vướng họng gọi là thổ dền; còn tiếng gáy trầm vang rất xa như tiếng chuông đồng gọi là tiếng gáy thổ đồng. Chim gáy tiếng thổ đồng là chim gáy quý hiếm. Các em cứ nghe con chim trong vườn đang gáy mà xem. Thường thì chim chỉ gáy ba đến bốn tiếng, nhưng nó lại gáy " Cục cúc cu cu ...cù!". Thêm tiếng cù đường sau gọi là gáy lèo. Nó gáy nhanh líu lại như muốn át mọi tiếng xung quanh gọi là gụ gốc.

Lũ trẻ nghe anh Tuệ nói chúng mới hiểu thế giới loài chim cũng nhiều điều thú vị lắm. Hôm ấy anh Tuệ về nhà cứ băn khoăn tự hỏi " Có nên bắt con chim gáy thổ đồngđó không? Nếu bắt thì anh có lỗi với bọn trẻ với xóm Chùa. Nhưng không bắt nó thì uổng quá. Cả vùng này tìm đâu được con chim gáy hay như nó. Có nó cộng với tài nghệ đánh chim của anh, thử hỏi có con chim gáy nào không sa vào lưới? Nghĩ thế, anh Tuệ quyết định vác lưới đến xóm Chùa.
Trời chưa sáng hẳn. Bóng tối còn lờ mờ bao phủ trên các lùm cây. Xóm chùa im ắng, chỉ cần một tiếng động nhỏ có thể làm cho đàn chim tỉnh giấc. Anh Tuệ khẽ khàng đặt lưới. Đợi lúc trời sáng hẳn. Khi những đàn chim đã bay đi kiếm mồi, anh quan sát biết rõ hai con chim gáy đã đi ăn, anh Tuệ mới treo lồng chim mồi lên một cành cây lá xum xuê phủ kín. Anh huýt sáo " Cục cù! Cục cù!" con chim mồi tiếng gáy thổ còi bước lên cầu lồng cất tiếng gáy vang xa khắp xóm Chùa. Là chúa tể một khu vườn trong miếu, con chim gáy thổ đồng đã nghe thấy tiếng một kẻ lạ nào đó xâm lấn lãnh thổ của mình. Từ một thửa ruộng xa, nó bay vút lên cao rồi chắp cánh lao xuống đậu trên đỉnh của một cây cao, cái đầu ngó nghiêng nghe ngóng. COn chim mồi của anh Tuệ nghe tiếng chim lạ bay về, nó sa cầu chớp cánh. Hai cánh nó giương lên giật giật! CHùm lông trắng phau trong lòng cánh của nó lúc ẩn, lúc lóe ra như ánh chớp. Đoạn, nó chúi đầu xuống " Cục cù! Cục cù!" . Con thổ đồng biết kẻ lạ không vừa. Nhưng qua nhiều lần bị những người thợ đánh chim giăng lưới bắt đã dạy cho nó một bài học " Chớ có nóng nảy quá mà mật trí khôn" nó thận trọng sà xuống một cành thấp rồi bất chợt lao vút lên đỉnh cây cao chót vót. Con thổ còi của anh Tuệ tưởng con chim lạ đã bay đi. Nhưng nó nhìn thấy ngón tay anh chủ đang gật gù ngoài chòi lá, nó hiểu ý chúc mỏ xuống, đuôi chổng ngược lên gýa liên hồi đến nỗi giọng líu lại. Con thổ đồng bên ngoài bay lên cáo cốt là để đánh lừa đối phương tìm nơi quan sát cho kỹ. Nhưng nghe con thổ còi gýa có hàm ý thách thức. Cơn tức giận đã làm mờ trí khôn ngoan bình thản của nó. Từ trên cành cao nó chuyền xuống cánh thấp chỉ cách lồng con thổ còi mươi bước. Anh Tuệ kéo mạnh dây bồng. Như một ánh chớp, tấm lưới màu xanh rêu từ mặt đất vút qua. Con chim gáy thổ đồng đã nằm gọn trong lưới.
Những người đánh chim ở HÀ NAM được tin anh Tuệ đánh được con chiom gáy thổ đồng ở xóm Chùa ai nấy đều nể phục. Nhiều người đến nhà anh Tuệ ngắm nghĩa xuýt xoa. Họ gạ anh đổi con chim lấy hai tạ thóc. Anh Tuệ lắc đầu. Đoỏi một chỉ vàng anh Tuệ vẫn không. Anh nhốt nó trong một cái lồng lợp lá rất đẹp. hằng ngày anh lấy đỗ xanh trộn với thóc cho nó ăn. Anh nuôi nó với mục đích là huấn luyện để nó trở thành chim mồi thượng.


( Trích truyện ngắn của Tiến Luận đăng trên báo Tiền Phong số 200 ra ngày thứ tư- 06/10/2004

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 25 Tháng 8 2010 15:16
 
«Bắt đầuLùi12345678910Tiếp theoCuối»

Trang 5 trong tổng số 12

Slider Gallery

Loading image. Please wait
Chim bo va chim con
Chim bo va chim con
Chim me va chim con
Chuong cu gay nuoi de
chim con 1 tuan tuoi
cu dang gay
mot cach nhin tong quat (anh tu google)